Điểm nhấn chính:
– Lãi suất và thị trường chứng khoán có
mối quan hệ chặt chẽ với nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tài chính của
nền kinh tế.
– Thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến
sẽ thu hút được một lượng vốn lớn từ trong và ngoài nước nhờ chính sách tiền tệ
của Fed và khả năng được nâng hạng TTCK Việt Nam.
Lãi suất và thị trường chứng
khoán có mối quan hệ nghịch đảo: Khi lãi suất tăng, chi phí vay vốn của công ty
trở nên đắt đỏ hơn, nên họ sẽ có ít tiền hơn để đầu tư vào công ty và sự ổn định
của dòng tiền kém hơn, gây áp lực lên giá cổ phiếu nhưng trái phiếu sẽ có lợi
hơn. Khi lãi suất giảm, điều ngược lại cũng đúng với tất cả những điều trên.
Điều gì quyết định
sự thay đổi của lãi suất?
Lãi suất thị trường
chịu sự chi phối bởi lãi suất điều hành. Nói cách khác, thông qua
lãi suất điều hành, Ngân hàng nhà nước (NHNN) tác động tới mặt bằng
lãi suất ngắn hạn, qua đó tạo ảnh hưởng tới lãi suất trung – dài
hạn, nhằm đạt được các mục tiêu của Chính sách tiền tệ. Cụ thể,
khi tỷ lệ lạm phát tăng, NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành để kiểm soát tốc độ
tăng của lạm phát, và giảm tốc độ tăng trưởng quá nóng của nền kinh tế và ngược
lại.
Khi NHNN thay đổi lãi suất điều
hành, các ngân hàng thương mại sẽ là đối tượng bị tác động đầu tiên. Họ sẽ phải
điều chỉnh mức lãi suất huy động và cho vay dựa trên sự thay đổi của lãi suất
điều hành để đảm bảo hoạt động hiệu quả và đúng với quy định của nhà nước. Lãi
suất của ngân hàng thương mại sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của doanh
nghiệp, chi tiêu, tiết kiệm và đầu tư. Vì vậy, ảnh hưởng từ sự thay đổi
lãi suất điều hành tới đà tăng trưởng thị trường chứng khoán là hiện
hữu.
Mặc dù thường mất ít nhất 12
tháng để thay đổi lãi suất có tác động kinh tế rộng rãi, nhưng phản ứng của thị
trường chứng khoán đối với sự thay đổi thường ngay lập tức hơn. Hiểu được mối
quan hệ giữa lãi suất và thị trường chứng khoán có thể giúp các nhà đầu tư hiểu
được những thay đổi có thể ảnh hưởng đến khoản đầu tư của mình và có sự chuẩn bị
để đưa ra quyết định tài chính tốt hơn.
Mối quan hệ giữa
lãi suất và thị trường chứng khoán
Nhìn chung, lãi suất và thị
trường chứng khoán có mối tương quan chặt chẽ. Lãi suất giảm sẽ thúc đẩy dòng
tiền chảy vào các kênh đầu tư sinh lời, bao gồm thị trường chứng khoán, trong
khi lãi suất tăng sẽ khiến thị trường chứng khoán giảm vì tiền có khuynh hướng
chảy vào các kênh an toàn hơn như tiết kiệm.
1. Lãi suất giảm tạo động lực cho dòng tiền
chảy vào TTCK
Khi
NHNN cắt giảm lãi suất điều hành, lãi suất đi vay sẽ được giảm xuống, chi phí
đi vay rẻ hơn sẽ thúc đẩy doanh nghiệp tăng vay mượn để đầu tư vào hoạt động sản
xuất kinh doanh của mình. Điều này dẫn đến tăng trưởng lợi nhuận và tiềm năng
dòng tiền của doanh nghiệp, khiến giá cổ phiếu tăng lên.
Lãi
suất thấp cũng thúc đẩy nhà đầu tư vay tiền để đầu tư vào các loại tài sản tài
chính thay vì tiết kiệm. Dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường chứng
khoán nhiều hơn giúp cho thanh khoản tăng cao, thị trường trở nên sôi nổi, giá
cổ phiếu của công ty cũng sẽ tăng cao hơn dựa trên quy luật cung và cầu và
doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ nguồn vốn rẻ hơn này.
Vì
thế, lãi suất thấp hơn chính là chất xúc tác cho một nền kinh tế tăng trưởng mạnh
mẽ thông qua lợi ích của việc vay mượn của cá nhân và doanh nghiệp.
2. Lãi suất tăng khiến TTCK không còn hấp
dẫn và rủi ro
Ngược
lại, lãi suất tăng sẽ khiến chi phí đi vay của doanh nghiệp trở nên đắt đỏ hơn
bao giờ hết. Chi phí cao sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm. Vì thế,
doanh nghiệp sẽ phải cân nhắc nhiều hơn nếu muốn mở rộng sản xuất kinh doanh.
Đối
với nhà đầu tư, lãi suất tăng lên thì chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng tăng
lên, nhà đầu tư sẽ cân nhắc rất nhiều khi bỏ tiền đầu tư vào những kênh rủi ro,
nên thay vì chảy vào TTCK, dòng tiền có khuynh hướng chảy vào kênh an toàn hơn
như tiết kiệm để bảo toàn số vốn mà vẫn sinh lời cao trong thời gian này.
Nhìn lại TTCK Việt Nam
qua các đợt giảm lãi suất điều hành của NHNN
Nguồn: Tititada Research
Nếu nhìn lại TTCK Việt Nam, kể từ
tháng 6/2008 đến 11/06/2023, NHNN đã 23 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành.
Thị trường chứng khoán ghi nhận số lần tăng điểm chiếm phần hơn, cụ thể là 12
phiên tăng vào phiên giao dịch đầu tiên sau khi có thông báo giảm lãi suất của
NHNN.
Giai đoạn 2008-2011, khi lạm
phát Việt Nam ở mức cao 19.89%, NHNN đã thực hiện các đợt tăng lãi suất, đưa
lãi suất từ mức 7.5% vào thời điểm cuối tháng 3 lên đến 15% vào tháng 6 và duy
trì đến tháng 10. Lãi suất huy động của các ngân hàng cũng theo đó tăng lên ngưỡng
17.5-18.5%/năm trước khi được điều chỉnh xuống còn 9% vào thời điểm cuối năm
2008. TTCK cũng đã chứng kiến biết động mạnh qua các năm, khi lãi suất được
nâng lên mức cao vào năm 2008, VNIndex đã giảm 65.73%, sau đó tăng 160% trong
giai đoạn từ tháng 2/2009 đến tháng 10/2009, sau đó giảm 30% vào năm 2010 và
lao dốc xuống 351 điểm vào năm 2011.
Trong khoảng thời gian từ năm
2012 đến năm 2018, khi lạm phát dần hạ nhiệt, NHNN đã thực hiện chính sách tiền
tệ nới lỏng, lãi suất tái cấp vốn cũng giảm mạnh từ mức 8.5% xuống 6.25%/năm,
nên lãi suất của các NHTM cũng theo đó giảm đi rất nhiều. Thị trường chứng
khoán ghi nhận những tăng trưởng tích cực và lập đỉnh 1,204.33 vào tháng
4.2018, mặc dù cũng quay đầu giảm mạnh trong phần còn lại của năm 2018 do ảnh
hưởng tiêu cực từ chiến tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc.
Tác động của lãi suất điều
hành thể hiện rõ nét nhất trong giai đoạn 2018-2021, bởi giai đoạn này gắn liền
với chiến tranh thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc và sự bùng nổ của đại dịch
COVID-19 khiến kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm tọng. Hầu hết các quốc gia đều
thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, cụ thể là bơm tiền và cắt giảm lãi suất
để khích cầu, và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Lãi suất tái cấp vốn đã
giảm từ mức 6.25% từ đầu năm 2019 xuống 4.0% vào cuối năm 2021, lãi suất huy động
12 tháng giảm từ mức 6.5%/năm về mức 5.7%/năm, lãi suất liên ngân hàng cũng có
nhiều thời điểm giảm về cận 0%. Theo đó, TTCK đã lập đỉnh cao nhất mọi thời
đại 1,500 điểm.
Tuy nhiên, việc duy trì chính
sách nới lỏng trong thời gian dài đã đẩy lạm phát toàn cầu tăng cao, buộc thế
giới phải đi vào chu kỳ thắt chặt tiền tệ. Trước áp lực tăng lãi suất lên mức kỷ
lục 4.25% trong năm 2022 của FED, Việt Nam cũng phải thực hiện hai lần tăng lãi
suất để tránh mất giá đồng nội tệ. Lãi suất tăng mạnh cùng với động thái hút gần
200,000 tỷ đồng đã khiến dòng tiền chuyển từ TTCK vào kênh tiết kiệm. Theo đó,
TTCK Việt Nam giảm mạnh nhất thế giới trong năm 2022: VNIndex giảm 32.2% về
1,000 điểm, thanh khoản cũng giảm tới 20% so với bình quân năm 2021.
Sang năm 2023, Việt Nam trải
qua 4 lần giảm lãi suất điều hành, lãi suất huy động cũng giảm xuống mức thấp kỷ
lục so với mức thấp nhất trong đại dịch COVID-19. Mức lãi suất huy động thấp kỷ
lục cũng không khiến cho số dư huy động của các ngân hàng giảm, thay vào đó lại
đạt hơn 13.5 triệu đồng (+13.2% YOY) – đây là mức tiền gửi cao nhất lịch sử
ngân hàng do tâm lý e ngại rủi ro của nhà đầu tư khi nền kinh tế chung 2023 đều
chứng kiến sự ảm đạm. Tuy nhiên, điều này đã không ngăn TTCK Việt Nam đạt được
thành tựu, chỉ số VNIndex đóng cửa ở mức 1,129.93 điểm, tăng hơn 12% so với đầu
năm; vốn hóa thị trường đạt hơn 240 tỷ USD, tương đương 56.4% GDP (riêng HOSE
là 186 tỷ USD).
Cân nhắc chọn cổ phiếu giá trị thay vì tăng trưởng khi lãi suất tăng
Khi lãi suất tăng, hầu hết các chuyên
gia tài chính đều khuyến nghị nhà đầu tư nên ưu tiên chọn những cổ phiếu có giá
trị, là các cổ phiếu được giao dịch với giá thấp hơn giá trị tài sản, thay vì
những cổ phiếu tăng trưởng với lợi nhuận trước mới.
Bởi vì, khi lãi suất tăng cao kéo
theo sự gia tăng về chi phí hoạt động kinh doanh, dẫn tới làm giảm đi mức lợi
nhuận của các công ty tăng trưởng. Trong khi đó, cổ phiếu giá trị dựa trên những
dự đoán tương lai, vì vậy sẽ bị ảnh hưởng ít hơn trước những biến động nhất thời
ở thời điểm hiện tại.
Một số cổ phiếu giá trị trên thị trường
Việt Nam như VNM, VCB, FPT…