Điểm
nhấn chính:
– Dân số tăng, nhu cầu về dịch vụ xã hội
cao hơn, và thu nhập của các hội đồng giảm đang tạo áp lực lớn cho các chính
quyền địa phương ở Anh.
– Nhiều hội đồng đang đối mặt với nguy
cơ phá sản do các khoản đầu tư rủi ro, lạm phát cao và nhu cầu dịch vụ gia tăng.
Áp lực tài chính ngày càng gia tăng
Tại Anh, dân số ngày càng tăng, nhu cầu
cao hơn đối với dịch vụ xã hội và thu nhập của hội đồng giảm đang đặt các chính
quyền địa phương dưới áp lực.
Kể từ năm 2018, 11 hội đồng ở Anh đã ban
hành thông báo theo “Mục 114” (Section 114). Theo luật, các chính quyền địa
phương ở Vương quốc Anh không thể phá sản. Tuy nhiên, theo Mục 114, nếu thu nhập
dự báo của hội đồng không đủ để đáp ứng chi tiêu dự báo cho năm tới, thì họ phải
thực hiện các hành động cần thiết để giải quyết sự thiếu hụt ngân sách này. Cùng
với đó, hội đồng không thể đưa ra các cam kết chi tiêu mới và phải họp trong
vòng 21 ngày để thảo luận về những việc cần làm tiếp theo.
Bộ trưởng tài chính mới của Anh, Rachel
Reeves, sau chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 4/7/2024 của Đảng Lao Động,
đã ra lệnh đánh giá lại nhu cầu chi tiêu công và các chính sách tài chính. Bà
đã cáo buộc nhiệm kỳ chính phủ trước đó để lại một “lỗ đen” lên tới 22 tỷ bảng
Anh (28.3 tỷ USD) trong tài chính công và tiết lộ cách Đảng Bảo thủ – đảng đã
lãnh đạo đất nước trong 14 năm trước đó – đã đưa ra các cam kết chi tiêu mà không
biết nguồn tài trợ đó sẽ đến từ đâu chỉ để cố gắng giành sự ủng hộ của công chúng.
“Cuộc đánh giá này sẽ cho thấy rằng
Vương quốc Anh đang trong tình trạng phá sản và tan vỡ do chính trị dân túy đã
gây ra cho nền kinh tế và các dịch vụ công,” một tuyên bố từ văn phòng của
Thủ tướng Keir Starmer.
Mức nợ công hiện tại của Anh đang ở mức
cao nhất trong nhiều thập kỷ. Trong năm tài chính vừa qua, đến tháng 3/2024,
chính phủ đã vay 122.1 tỷ bảng Anh. Trong khi đó, chi
tiêu lãi suất cho các khoảng nợ ròng của chính phủ là 102 tỷ bảng Anh, tương
đương 3.8% GDP hoặc 8.4% chi tiêu của chính phủ. Số tiền lãi mà chính phủ phải
trả cho các khoản nợ quốc gia đã đạt mức cao nhất trong 20 năm vào đầu tháng 10/2023.
Thâm hụt ngân sách là 51 tỷ bảng Anh trong năm 2023/24, tương đương 1.9% GDP.
Tính đến cuối tháng 6/2024, nợ
quốc gia đạt khoảng 2.7
nghìn tỷ bảng Anh, tương đương 99.5% GDP, là mức tăng đáng kể từ mức 86% vào năm
2019 và 43% năm 2007.
Đặc biệt là, khoảng một phần tư nợ của
Anh được gắn với chỉ số nhất định (index-lined), nghĩa là các khoản thanh toán
được liên kết trực tiếp với tỷ lệ lạm phát. Khi lạm phát tăng mạnh trong năm
2022/23 và kéo dài qua năm sau đó, nó đã đẩy các nghĩa vụ thanh toán nợ lên đáng kể. Và vấn đề bắt đầu nổi
lên là khi chính phủ phải dành nhiều tiền hơn cho việc trả nợ, thì họ sẽ có ít
tiền hơn để chi tiêu cho các dịch vụ công cộng mà họ đã vay tiền để tài trợ ban
đầu.
Birmingham-thành phố lớn thứ hai đã phá sản
Năm 1890, một nhà
báo người Mỹ tên là Julian Ralph đã từ New York đến Birmingham, một trung tâm
công nghiệp nằm ngay tại trung tâm nước Anh, và nhận thấy đây là “thành phố
được quản lý tốt nhất trên thế giới.”
Nhưng đến năm 2024,
một du khách đến
Birmingham đã thấy một cảnh tượng
công cộng rất khác biệt. Hội đồng thành phố đang cân nhắc bán các phòng trưng
bày nghệ thuật của mình. Họ dự định đóng cửa 25 thư viện. Các bể bơi miễn phí
đã không còn
hoạt động. Việc thu gom rác được thực hiện chỉ
hai tuần một lần.
Nước và khí đốt, được quốc hữu hóa trước
đó, nhưng về sau được tư nhân hóa. Và
trong nỗ lực tuyệt vọng để cắt giảm chi phí, thành phố đã giảm độ sáng của đèn
đường.
Birmingham –
thành phố lớn thứ hai tại Vương quốc Anh và là chính quyền địa phương lớn nhất
châu Âu – đã phá sản vào tháng 9/2023. Không thể
cân bằng ngân sách hàng năm, thành phố đã phát hành một thông báo theo “Mục
114”,
một phiên bản phá sản
của chính quyền địa phương.
Hội đồng Thành phố
Birmingham nợ hơn 2.9 tỷ bảng Anh từ
các nhà cho vay. Để lấp đầy lỗ hổng tài chính, hội đồng cho biết sẽ cắt giảm dịch vụ, thanh lý tài sản
và tăng thuế, khiến hơn một triệu người phải trả nhiều hơn nhưng nhận được ít
hơn. Và, trong số các lựa chọn không thể tránh khỏi là quyết định bán tài sản
nào, vì thành phố sở hữu khoảng 2.4 tỷ bảng Anh giá
trị tài sản. Một nửa giá trị này sẽ phải được thu hồi, chỉ để cân bằng sổ sách
trong hai năm tới.
Một số tổn thất nêu trên là do hội đồng
được điều hành chính bởi Đảng Lao động đối
lập gây ra, điển hình là việc không trả lương
bình đẳng cho phụ nữ và nam giới trong cùng một loại công việc, và hiện phải trả tiền bồi thường. Cùng với việc triển khai thất bại hệ thống công nghệ thông tin, thành phố đã
tích lũy nợ khoảng 1 tỷ bảng Anh (1.25 tỷ USD). Ngoài ra, một số những tổn thất khác lại đến từ
bên ngoài,
bao gồm nguồn tài trợ của
Birmingham từ chính phủ trung ương đã bị cắt giảm 1 tỷ bảng Anh như một phần của
chương trình thắt lưng buộc bụng trong thập kỷ từ năm 2010, trong khi nhu cầu về
các dịch vụ công
của thành phố và
chi phí cung cấp lại tăng vọt.
Birmingham là một
trong những thành phố đầu tiên bị sụp đổ nhưng số phận tương tự cũng đang chờ đợi nhiều thị trấn
và thành phố khác của nước Anh, ngay cả những hội đồng quản lý tốt nhất cũng có
nguy cơ bị sụp đổ. Từ năm 1988 đến 2018, chỉ có hai hội đồng bị phá sản. Kể từ
năm 2018, con số này đã là chín. Hiện nay, 1
trong 10 hội đồng cho biết họ có khả năng tuyên bố phá sản trong năm tài chính
này. Một nửa cho biết họ có khả năng phá sản trong 5 năm tới.
Điều gì sẽ xảy ra khi các hội đồng phá sản?
Việc ban hành
thông báo theo Mục
114 có nghĩa là hội
đồng không thể đưa ra các cam kết chi tiêu mới và phải họp trong vòng 21 ngày để
thảo luận về những gì cần làm tiếp theo. Họ có thể thông qua sửa đổi ngân sách nhằm giảm chi tiêu cho các dịch vụ. Các hội
đồng cũng có thể tìm kiếm “chỉ đạo vốn” từ Chính phủ, cho phép họ có
quyền đặc biệt sử dụng
các quỹ vốn – chẳng
hạn như thông qua việc bán tài sản hoặc bất động sản – để chi tiêu cho việc
cung cấp dịch vụ.
Các lựa chọn khác
bao gồm việc Chính phủ giảm số lượng dịch vụ bắt buộc mà một hội đồng phải cung
cấp theo luật pháp. Chính phủ cũng có thể can thiệp trực tiếp vào cách thức mà
các dịch vụ của hội đồng được điều hành. Ví dụ, một nhóm gồm sáu ủy viên và hai
cố vấn chính trị đã được bổ nhiệm để điều hành hội đồng Birmingham trong thời
gian lên đến 5 năm sau khi hội đồng
này ban hành thông báo theo Mục
114 vào tháng 9/2023.
Tại sao các hội đồng lại gặp khó khăn về chi tiêu?
Sức mạnh chi tiêu
cốt lõi (Core
spending power) cho các chính quyền địa phương ở Anh (một thước đo của
chính phủ về số tiền mà các hội đồng có sẵn, bao gồm các khoản trợ cấp từ chính
phủ trung ương và thuế hội đồng) đã giảm đáng kể từ năm 2010. Những giảm sút lớn
nhất diễn ra dưới thời chính phủ liên minh từ năm 2010 đến 2015. Văn phòng Kiểm toán Quốc gia ước tính vào năm 2018, sức mạnh chi tiêu của các chính quyền địa phương ở Anh
đã giảm 29% tính theo giá trị thực trong giai đoạn 2010/11 đến 2017/18.
Ủy ban ước tính rằng
các hội đồng đang đối mặt với
một khoảng thiếu hụt tài chính lên đến 4 tỷ bảng Anh trong hai năm tới để tiếp
tục cung cấp dịch vụ ở mức độ
hiện tại. Như vậy, việc đáp ứng nhu cầu gia tăng đồng nghĩa với việc phải cắt giảm ở những nơi khác.
Thập niên 2010 chứng
kiến sự cắt giảm lớn trong tài trợ và chi tiêu của các hội đồng:
1. Việc cắt giảm tài trợ từ chính phủ trung ương dẫn đến sự sụt
giảm 17% trong chi tiêu của các hội đồng cho các dịch vụ công cộng địa phương trong thập niên 2010 – tương đương với
mức giảm 23% hoặc gần £300
trên mỗi người.
Tài trợ cốt lõi của các hội đồng Anh từ chính phủ trung ương và thuế địa phương
(như thuế hội đồng và thuế doanh nghiệp) trong năm tài chính 2024/25 dự kiến sẽ
thấp hơn 9% theo giá trị thực so với năm 2010/11 – tương đương với mức cắt giảm
18% trên mỗi cư dân. Mặc dù nguồn tài trợ đã có sự phục hồi tăng 14% (10% trên
mỗi cư dân) trong nhiệm kỳ quốc hội gần đây nhất từ năm 2019 – 2024 (phần lớn
là dành cho chăm sóc xã hội), nhưng vẫn không đủ để bù đắp cho mức cắt giảm lớn
hơn 21% (26% trên mỗi cư dân) trong thập niên 2010 nhiều
hội đồng đối mặt với áp lực tài chính nghiêm trọng do chi tiêu vượt xa doanh
thu và nguồn dự trữ tài chính bị rút dần.
2. Chính quyền địa phương ngày càng phụ thuộc vào thuế hội
đồng để có nguồn thu,
hiện chiếm 57% tổng thu nhập của
hội đồng – tăng từ mức chỉ hơn một phần ba vào năm 2009/10,
và thuế doanh
nghiệp giữ lại hiện chiếm 28%, tăng từ con số 0%. Sau khi hầu hết các hội đồng đã đóng băng thuế hội đồng
trong nửa đầu thập niên 2010, trong sáu năm qua, doanh thu từ thuế hội đồng đã
tăng gần 25% theo giá trị thực. Điều này phản ánh qua việc
các hội đồng đã
tăng thuế hội đồng trung bình 4.4% mỗi năm kể
từ năm 2019. Tuy nhiên, mức tăng này hầu như chỉ đủ để theo kịp lạm phát, khiến
thuế hội đồng thực tế không thay đổi so với năm 2019/20 và chỉ cao hơn 2% so với năm 2010/11
. Trong tương lai, việc tăng thuế hội đồng
5% (mức tối đa được phép mà không cần trưng cầu dân ý trong hai năm qua) sẽ dẫn
đến mức tăng thực tế 3% mỗi năm trong kỳ quốc hội tiếp theo, tốc độ tăng nhanh
nhất kể từ kỳ quốc hội 2001/05 (khi mức tăng trung bình là 6% mỗi năm). Ngoài ra, tại
Anh, chưa đến 5% thuế được thu tại địa phương, trong khi các quốc gia khác trao
quyền thu thuế nhiều hơn cho chính quyền địa phương, chẳng hạn như ở Pháp, 14%
thuế được thu tại địa phương; ở Đức, 25%; và ở Thụy Điển, 35%.
3. Chi tiêu của các hội đồng ngày càng tập trung vào các
dịch vụ chăm sóc xã hội.
Mặc dù chi tiêu trên mỗi người cho việc cung cấp dịch vụ địa phương đã giảm tổng
thể 9%, chi tiêu cho chăm sóc xã hội người lớn và chăm sóc trẻ em cấp tính đã
tăng 17% trên mỗi người. Hai lĩnh vực này chiếm 65% ngân sách của các hội đồng
trong năm 2023/24, tăng từ 63% vào năm 2019/20 và 50% vào năm 2010/11. Theo số liệu từ The King’s Fund, nhu cầu về chăm sóc xã hội cho người lớn hiện đang ở mức
cao kỷ lục, với các yêu cầu chăm sóc đạt gần hai triệu người vào năm 2023.
Ngoài
ra, mức chi tiêu của hội đồng cho nhà ở đã giảm
một phần ba, chi tiêu cho đường cao tốc và giao thông, văn hóa và giải trí, và
quy hoạch đã giảm hơn 40%, và chi tiêu cho dịch vụ thanh thiếu niên và chương
trình Sure Start đã giảm 70%. Việc cắt giảm các mảng này nhằm để hạn chế việc cắt
giảm các dịch vụ chăm sóc xã hội.
Số lượng trẻ em trong các đơn vị an toàn và nhà ở cho trẻ em và số lượng trẻ có
kế hoạch phúc lợi về Giáo dục, Sức khỏe và Chăm sóc đã tăng hơn 30% từ đầu năm
2020 đến đầu năm 2023, trong khi số lượng gia đình vô gia cư sống tại các nhà
trọ B&B đã tăng gấp đôi từ cuối năm 2019 đến tháng 9/2023. Từ
năm 2019/20 đến năm 2022/23, chi
phí mỗi lần bố trí trẻ em tại các nhà trẻ tăng 20% và chi phí chăm sóc tại các
nhà dưỡng lão cho người lớn tuổi từ 65 trở lên tăng 35%, cả hai đều gần gấp đôi
mức lạm phát toàn nền kinh tế được đo lường trong cùng khoảng thời gian.
4. Phá sản cá nhân đang ở mức cao. 10,395 người tại Anh và xứ Wales đã nộp đơn phá sản vào tháng 6/2024; trước đó, tổng số vụ phá sản cá nhân đạt đỉnh
vào năm 2009/10. Con số này
vào tháng 6/2024 cao hơn 11%
so với tháng trước
đó và cao hơn 33% so
với cùng kỳ năm 2023. Các vụ
phá sản cá nhân bao gồm 651 vụ phá sản, 4,383 lệnh xóa nợ (DRO) và 5,361 thỏa thuận tình nguyện cá nhân (IVA). Trong vòng 12 tháng kết thúc vào ngày 30/6/2024, cứ 457 người
trưởng thành tại Anh và xứ Wales thì có một người phá sản, tương đương tỷ lệ 21.9 trên 10,000 người trưởng thành. Với số người
phá sản ngày càng tăng, các hội đồng càng thêm khó khăn trong việc thu thuế hội đồng và phí địa
phương từ các hộ gia đình bị ảnh hưởng. Những người phá sản có thể được cấp quyền
giảm mức thanh tóan hoặc tệ hơn là họ có thể hoàn toàn
không trả được nợ, dẫn đến việc thiếu hụt nguồn thu thuế hội đồng dự kiến.
5. Phương pháp quản trị rủi ro không chắc chắn. Để bù đắp cho thâm hụt ngân sách địa phương, chính phủ trung
ương đã khuyến khích các hội đồng tham gia vào các biện pháp quản trị rủi ro. Các hội đồng được yêu cầu “sử dụng nguồn dự trữ một
cách sáng tạo”, bao gồm “các dự án đầu tư để tiết kiệm”. Với cái nhìn từ hiện tại, kết quả rõ ràng là các khoản đầu tư đó mang tính đầu cơ vào bất động sản thương mại và là một trong những nguyên nhân đẩy các hội đồng
vào tình trạng phá sản
khi lạm phát tăng cao và thị trường bất động sản bị tác động mạnh do đại dịch COVID-19. Nhìn
chung, ngoài các nguyên nhân trên, phần còn
lại là do áp lực nhân khẩu
học, đại dịch, và
khủng hoảng chi
phí sinh hoạt.
Các hội đồng có thể tự tăng thêm nguồn tài
trợ không?
Hiện
tại, để đáp ứng nhu cầu và chi phí ngày càng tăng, các hội đồng đã lên kế hoạch
rút 1.2 tỷ bảng từ nguồn dự
trữ của họ trong năm 2024/2025, sau khi đã rút 1.7 tỷ bảng trong năm
2022/23 và đưa tổng mức dự trữ năm này xuống còn gần 26 tỷ bảng.
Dự
trữ của các hội đồng Anh là các khoản tiết kiệm tài chính mà các hội đồng địa
phương để dành nhằm quản lý rủi ro, chi phí bất ngờ và các dự án cụ thể trong
tương lai. Các khoản dự trữ này được chia thành ba loại: dự trữ dành riêng cho
các rủi ro đã biết, dự trữ có giới hạn cho các mục đích cụ thể, và dự trữ chưa
phân bổ cho các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, các dự trữ này là nguồn tài
chính có giới hạn và không thể tình trạng thiếu hụt ngân sách lâu dài. Tính đến
cuối tháng 4 năm 2023, nguồn dự trữ của các hội đồng Anh còn lại 26 tỷ bảng giảm
6% so với đầu năm 2023. Trước đó, các hội đồng đã có thể bổ sung tổng cộng 7–8
tỷ bảng vào nguồn dự trữ nhờ vào khoản tài trợ nhận được để đối phó với đại dịch
COVID-19, vốn trong hầu hết các trường hợp đã vượt xa tác động tài chính ngắn hạn
của đại dịch. Tuy nhiên, vì nguồn dự trữ chỉ có thể sử dụng một lần, các hội đồng
vẫn phải đối mặt với thách thức lớn trong việc cân bằng giữa chi tiêu và tài trợ.
Mặt khác, vào đầu năm 2024, Bộ trưởng Cấp bậc
đã công bố một gói hỗ trợ trị giá 600 triệu bảng Anh giúp tăng cường cho các hội đồng trên khắp nước Anh, giúp
họ cung cấp các dịch vụ quan trọng. Cụ thể, gói hỗ trợ này sẽ chủ yếu bổ sung thêm 500 triệu bảng
vào Quỹ Chăm sóc Xã hội, một mối quan tâm chính đã được các hội đồng nêu lên. Khoản tài trợ 600 triệu bảng này được xây dựng thêm dựa trên gói hỗ trợ trị giá 64 tỷ bảng Anh đã được
công bố tại Kế hoạch Tài chính Chính quyền Địa phương tạm thời cho năm 2024/25, tăng khoảng 4 tỷ bảng so với năm trước đó.
Tuy nhiên, chính
phủ yêu cầu các hội đồng phải có các kế hoạch chi tiêu hợp lý nếu muốn nhận được
hỗ trợ tài chính. Stephen Houghton, một trong những lãnh đạo hội đồng, cho biết:
“Họ không đưa tiền cho chúng tôi và tin tưởng rằng chúng tôi sẽ sử dụng nó
đúng cách, mà họ muốn có một kế
hoạch về những gì chúng tôi sẽ làm.” Các lãnh đạo hội đồng bày tỏ sự thất
vọng về quá trình đấu thầu cho những khoản tài trợ nhỏ mà chính phủ cung cấp, trong khi các hội đồng thường
tiêu tốn hàng nghìn bảng để thuê tư vấn viên làm đẹp hồ sơ đấu thầu của họ,
nhưng cuối cùng thường
bị từ chối.
Ngoài các khoản
trợ cấp từ chính phủ, các hội đồng có rất ít nguồn thu khác, vì vậy họ có khả
năng hạn chế trong việc tăng thêm nguồn tài trợ tại địa phương. Thuế hội đồng
là nguồn thu chính mà họ tự thu tại địa phương, và họ đã thu được tỷ lệ cao hơn
từ thuế hội đồng vào năm 2023/24 so với năm 2015/16. Nhưng việc này lại gây áp lực lớn lên
tài chính của người dân.
Năm 2023, Croydon
đã tăng thuế hội đồng của họ lên 15%, trong khi Thurrock và Slough, những nơi
cũng đã ban hành thông báo theo Mục 114, đều tăng thuế của họ lên 10%.
Birmingham dự kiến sẽ tăng thuế của mình lên 21% từ năm 2024 đến 2026, đồng thời cắt giảm các khoản dịch vụ trị giá 300 triệu bảng.
Trong khi đó, khoảng
9 trong số 10
hội đồng cho biết
họ có kế hoạch tăng phí đối với các lĩnh vực như đỗ xe và xử lý rác thải môi
trường. Một trong năm hội đồng (21%) đang có kế hoạch tiếp tục bán tài sản công
cộng khi đối mặt với các vấn đề tài chính. Và hơn một nửa cho biết họ đã rút từ
nguồn dự trữ của mình trong năm tài chính này và dự định sẽ rút tiếp trong năm
2024/25.
Các nhà phân tích
tại Moody’s cho biết họ dự đoán sẽ còn
có nhiều chính
quyền địa phương “thất bại trong ngắn hạn” do mất giá trị tài sản
thương mại, lạm phát cao, lãi suất và nhu cầu dịch vụ gia tăng.